Khát vọng cùng quê nhà - Dori Lý Sơn

Về Lý Sơn lần này, tôi gặp đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Công và Nguyễn Thị Mỹ Yến khát khao xây dựng thương hiệu “Tỏi an toàn Lý Sơn”. Quen nhau từ giảng đường đại học, tốt nghiệp xong là cặp đôi này trở lại quê nhà để khởi nghiệp bằng mô hình trồng tỏi an toàn.

“Giống tỏi truyền thống Lý Sơn đã vang danh về giá trị, chất lượng. Thế nhưng hiện tại, người dân vẫn chưa hướng nhiều đến phương thức canh tác an toàn. Chưa kể, nhiều loại tỏi từ “đất liền” được đưa ngược ra để “trà trộn” tỏi Lý Sơn. Ước mong của vợ chồng tôi là tỏi Lý Sơn phải được canh tác theo phương thức hữu cơ, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng và người sản xuất. Tôi vừa làm vừa tác động đến nông dân huyện đảo hướng ý thức sản xuất nông sản an toàn”, Công tâm sự.

Năm 2016, vợ chồng Công đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 2.000m2 tỏi theo phương thức canh tác an toàn. Sản xuất tỏi theo cách này chi phí tăng khoảng 20% và sản lượng cũng sụt giảm khoảng 30% so với cách trồng thông thường. Thế nhưng thành quả lớn nhất là tỏi sạch. Bên cạnh đó, vợ chồng Công còn trồng gối vụ hành củ Lý Sơn, một sản phẩm cũng nổi tiếng không kém tỏi Lý Sơn. Tiếp đó, gia đinh Công vét vốn thành lập doanh nghiệp Dori vừa sản xuất vừa phân phối các đặc sản sạch của Lý Sơn.

Tại đảo Lý Sơn, cửa hàng mang thương hiệu Dori đang có phong cách trưng bày, kinh doanh rất khác biệt với thông điệp “Khát vọng Lý Sơn”. Cửa hàng chỉ vài chục mét vuông nhưng lượng khách đến mỗi ngày rất đông. Tỏi an toàn Dori giá bán 150.000 đồng/kg, cao hơn tỏi Lý Sơn thông thường 20.000-50.000 đồng/kg, nhưng du khách vẫn tấp nập chọn mua.

“Phải kiên trì làm từng việc nhỏ để du khách tin tưởng và trở lại Lý Sơn. Tôi mong Lý Sơn phát triển nhanh nhưng phải chắc chắn, bền vững. Trong đó có việc góp công sức tạo một thương hiệu tin cậy, mạnh mẽ cho đặc sản quê nhà”, Công khẳng định.

ĐÀO ĐỨC TUẤN - baophuyen.com.vn - http://www.baophuyen.com.vn/367/181793/khoi-sac-ly-son.html

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận