HÃY GIÀNH LẠI SỰ KIỂM SOÁT
Giành lại sự kiểm soát không có nghĩa là loại bỏ tất cả các thành viên của một loài gây hại nào đó ra khỏi ruộng vườn. Sự tồn tại ở một mức độ nhất định của loài gây hại nào đó là cần thiết để làm thức ăn cho các loài ăn mồi. Mục đích của chúng ta là làm thế nào giảm sự phá hoại mùa màng của các loài gây hại bằng cách điều hòa số lượng của chúng.
Vì thế, bước đầu tiên để giành lại sự kiểm soát là coi thiên nhiên như đồng minh, tìm hiểu và làm việc cùng với nó, lập lại trật tự tự nhiên vì lợi ích chung của côn trùng, cây cối, chim muông, động vật và của chính bản thân chúng ta. Và cuộc hành trình của chúng ta sẽ dễ dàng hơn, như bơi xuôi theo dòng thay vì sẽ phải mãi lội ngược dòng.
THIÊN NHIÊN LÀ BẠN, KHÔNG PHẢI LÀ THÙ HÃY CỐ GẮNG CÙNG CHUNG SỐNG VÀ LÀM VIỆC VỚI THIÊN NHIÊN
Hãy đối xử tốt với thiên nhiên
Cố gắng chống lại thiên nhiên là ngu xuẩn, hợp tác là khôn ngoan có lẽ là bài học quan trọng nhất mà chúng ta học được trong thế kỷ này. Chúng ta đã cố chống chọi với thiên nhiên và đã thấy rằng không chỉ ta đang phải giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh hiện nay mà để nhận ra cái gì cần phải làm tiếp theo đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khi chúng ta hợp tác tốt với thiên nhiên, sẽ xảy ra điều ngược lại. Thiên nhiên giúp chúng ta giải quyết chính những vấn đề đó và công việc ta cần phải làm tiếp theo sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Học từ thiên nhiên
“QUAN SÁT KỸ THIÊN NHIÊN, Ở ĐÓ CÓ CÂU TRẢ LỜI”
Có nhiều điều thiên nhiên dạy cho chúng ta. Thiên nhiên là chuyên gia trong canh tác không làm đất, cung cấp thực vật đa dạng, tái sinh năng lượng và dinh dưỡng thông qua ánh sáng mặt trời, qua phế thải động vật và thực vật và cân bằng số lượng các con mồi và động vật ăn thịt. Ta thông minh có nghĩa là ta có thể học hỏi từ thiên nhiên và sau đó xung phong đi đầu để đẩy mạnh tiến trình tự nhiên vì lợi ích của tất cả các đời sống và làm cho trái đất hành tinh của chúng ta tự sinh lợi nhiều hơn.
Có rất nhiều điều học được ở những vấn đề cụ thể và ở phạm vi tổng thể. Nếu như một loại cây nào đó bị sâu phá hoại, điều đó cho ta thấy rằng thiên nhiên đang dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Chúng ta phải kiểm tra lại các phương pháp đã thực hiện và xác định xem liệu mối cân bằng giữa các con mồi và loài ăn thịt có bị xáo trộn không hoặc liệu cây trồng có mạnh khỏe không.
Nếu bản thân cây không được khỏe như chúng đáng có, cần kiểm tra độ phì nhiêu của đất, chế độ tưới nước, vệ sinh cây cối (bệnh tật), tính thích ứng của cây hay thời vụ trồng. Hãy tìm những dấu hiệu về màu sắc và giai đoạn phát triển của cây ở bên trên và dưới mặt đất.
Kiểm tra xem loại sâu bệnh nào phá hoại cây trồng vì điều này cho thấy loài động vật săn mồi nào đang vắng mặt và phải khuyến khích chúng có mặt trở lại trong môi trường canh tác. Ví dụ sự có mặt của số lượng lớn rệp vừng, là dấu hiệu chắc chắn cho thấy số lượng bọ rùa, chuồn chuồn cỏ hoặc ruồi ăn mồi là quá ít.
Ngoài ra, hãy quan sát sự phát triển của côn trùng qua tất cả các giai đoạn phát triển của nó và chú ý độ dài và thời gian của mỗi giai đoạn. Điều này giúp ta chống lại côn trùng vì tốt nhất nên khống chế ở những giai đoạn chúng dễ bị tổn thương nhất trong vòng đời của chúng. Ví dụ, giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của sâu đục thân ngô là khi chúng còn là nhộng đang nằm lì ở gốc thân cây ngô. Ở giai đoạn này trong chu kỳ sống, loại sâu này có thể bị tiêu diệt rất hiệu quả bằng việc phơi thân cây trên ruộng dưới nắng, hay phơi khô để nuôi gia súc hoặc làm phân ủ. Hãy quan sát xem loại cây nào đang bị tấn công và ở thời điểm nào trong năm vì kiến thức này có thể được áp dụng để tránh trồng những loại cây mẫn cảm vào thời gian sâu bọ phát triển nhất.
Trồng xen thí điểm các loại cây khác nhau trong cùng một mảnh ruộng để phát hiện xem loại cây nào bảo vệ lẫn nhau và cây nào không. Tất cả những thông tin này sẽ rất có ích giúp ta lựa chọn tốt hơn loại cây hoặc giống trồng xen và luân canh cũng như thời vụ gieo trồng.
Hãy quan sát xem loại cây nào, kể cả cây dại và cây được canh tác, xem nó bị hoặc không bị tấn công bởi loại côn trùng nào đó. Loại cây không bị tấn công có thể là có ích giúp đẩy lùi các loại côn trùng đó, trong khi những loại cây bị tấn công có thể được sử dụng trồng để làm bẫy.
Hãy quan sát kỹ đất. Rất nhiều loại côn trùng và các loại sinh vật khác nhau trong đất sẽ cho ta biết đất đang ở điều kiện tốt hay không.
Tìm hiểu xem mỗi loại côn trùng, chim và các động vật ăn gì, để biết quy mô sống của các loài được cân bằng và được liên kết với nhau như thế nào. Với những kiến thức này sẽ làm cho chúng ta tôn trọng thiên nhiên mà điều này hiện nay đang rất thiếu hụt.
Dần dần, thông qua các cách quan sát như vậy trên những mảnh ruộng của chúng ta phát triển các kiến thức chi tiết hỗ trợ cho việc thiết lập lại trật tự của thiên nhiên.
DORI biên tập - Theo DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ ADDA - VIỆT NAM
Bình luận